Chào bạn, như đã hẹn, ở Từ điển vải vóc phần 2, NGÓI sẽ cung cấp cho bạn những thông tin chi tiết về vải. Bạn có tò mò về hai phân loại vải tự nhiên và vải tổng hợp mà tụi mình đã đề cập ở phần trước không? Chúng ta sẽ tìm hiểu về thế giới vải vóc qua hai phân loại này đó.
Dưới đây, NGÓI sẽ giới thiệu với bạn tất tần tật về vải tự nhiên nhé. Theo chân tụi mình nào!
Vải sợi tự nhiên là gì?
Vải tự nhiên là những loại vải được dệt từ các thành phần tự nhiên. Có hai nguồn sợi tự nhiên chính: đó là từ động vật (lông động vật) và từ thực vật (thân cây, lá). Bạn khoan hãy lo lắng về nguồn sợi từ lông động vật nhé.
Tranh cãi về nguồn sợi động vật
Hiện tại vẫn còn những tranh cãi về ngành công nghiệp lông thú, kể cả lông thú thật và lông thú nhân tạo. Việc sử dụng lông thú thật vấp phải vấn đề nhân đạo, làm tổn hại với các loài động vật tự nhiên. Còn lông thú giả giải quyết vấn đề nhân đạo nhưng gây tác động đến môi trường.
Một tin vui cho chúng ta là hiện đang có nhiều cải tiến công nghệ đang được nghiên cứu để tìm ra phương pháp thay thế cho cả lông thú thật và lông thú nhân tạo. Vậy nên, bài toán về môi trường và phát triển bền vững sẽ chỉ là vấn đề thời gian nữa thôi.
Ưu điểm của vải tự nhiên
Sản xuất vải tự nhiên bao gồm rất nhiều công đoạn từ khâu thu hoạch, xử lý vải, dệt sợi cho đến thành phẩm cuối cùng. Vải sợi tự nhiên luôn được ưa chuộng trong các mặt hàng may mặc bởi nhiều đặc tính vượt trội.
- Độ thấm hút: Vải sợi tự nhiên có độ thấm hút cao, kể cả nguồn sợi từ động vật hay thực vật. Loại vải như linen, lụa thấm hút nhanh và bay hơi nhanh. Vì vậy trang phục làm từ vải này đều tạo cảm giác thoáng mát cho người mặc. Khi vải gặp chất lỏng, các sợi vải tự nhiên có tính ưa nước nên sẽ có khả năng hút nước lớn. Đối với các sợi vải tổng hợp, sợi vải có tính kỵ nước có khả năng thấm hút kém và ít hút ẩm hơn.
- Thân thiện với môi trường: Như chúng ta đã biết, ngành công nghiệp thời trang nhanh đem lại tác động xấu đến môi trường. Việc sử dụng các loại vải sợi tự nhiên cũng đóng góp chút sức nhỏ làm giảm tác động đến môi trường. Quá trình sản xuất vải tự nhiên ít dùng hóa chất so với sản xuất vải tổng hợp. Ngoài ra, sợi vải từ thành phần tự nhiên nên trang phục cũng sẽ an toàn với da của bạn hơn.
Khuyết điểm của vải tự nhiên
Hầu hết các loại vải tự nhiên đều rất dễ nhăn và bị co rút sau những lần giặt. Với khuyết điểm nhăn nhàu, bạn có thể khắc phục bằng cách ủi chúng một cách cẩn thận. Hoặc bạn có thể nghĩ rằng những vết nhăn đôi khi lại là nét quyến rũ của vải tự nhiên. Vì chúng không hề có sự can thiệp của hóa chất hay công nghệ nên vết nhăn là điều tự nhiên nhất.
Ở bài viết trước, NGÓI có đề cập đến thuật ngữ “độ co rút” của vải. Mỗi loại vải sẽ có tỉ lệ co rút khác nhau tùy vào cấu trúc sợi vải. Tuy nhiên, sự co rút của vải có thể khắc phục bằng các khâu xử lý vải trước khi may sản phẩm.
Các loại vải sợi tự nhiên
Cotton
Đây có lẽ là cái tên quen thuộc với bạn đúng không? Nói về cotton là chúng ta đang nói về lịch sử nhân loại. Con người đã mặc trang phục từ sợi bông từ hàng nghìn năm về trước. Cây bông được trồng sớm nhất vào năm 2.300 trước công nguyên. Khi Christopher Columbus khám phá ra châu Mỹ thì cây bông đã được canh tác từ trước đó trên châu lục này.
Trồng cây bông đóng vai trò quan trọng trong lịch sử Ấn Độ, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ và là cây trồng và hàng hóa chủ lực. Đặc biệt, ở Ấn Độ việc canh tác và dệt bông được xem như một phần của cuộc sống. Hơn thế, hình ảnh vị lãnh tụ Gandhi dệt sợi bông bằng tay trở thành biểu tượng của sản xuất bản địa và sự tự do, thoát khỏi chế độ thuộc địa.
Đặc điểm của cotton
Ngày nay có hơn 100 loại vải cotton. Có nhiều loại được pha trộn từ các sợi vải khác như len, lụa hoặc sợi tổng hợp để đạt được nhu cầu về đặc tính của vải. Vải cotton được làm từ sợi bông nên trang phục từ vải này luôn tạo cảm giác thoải mái, mềm mại và thoáng mát cho người mặc. Đây cũng là loại vải phổ biến nhất thế giới.
Cotton có ưu điểm của vải tự nhiên nhưng có khuyết điểm là dễ xù lông. Nguyên nhân là cotton dệt từ sợi vải ngắn nên dễ sùi lên hơn so với vải dệt từ sợi dài như sợi lanh, lụa tơ tằm. Để hạn chế việc xù lông, bạn có thể áp dụng một số tips sau:
- Chọn chế độ giặt phù hợp với cotton: Bạn hãy chọn chế độ giặt nhẹ hoặc giặt tay. Ngoài ra, không nên giặt bằng nước nóng, vì nhiệt độ cao dễ làm sợi tơi và dễ đứt gãy.
- Hạn chế sấy đồ, nên phợi đồ để tránh trang phục bị vón cục, làm vải bị sùi nhanh chóng.
Linen
Vải linen hay còn gọi là vải lanh, đây là một trong những loại vải được con người sử dụng sớm nhất. Linen được dệt từ phần thân và gốc của cây lanh. Sợi lanh thanh mảnh, có tính dai nên vải linen chắc và có độ bóng mượt hơn vải cotton. Vải linen thấm hút tốt và có độ bền cao. Trang phục từ vải lanh đem lại phong thái thanh lịch, trang nhã và nhẹ nhàng cho người mặc. Ở NGÓI, tụi mình dùng vải linen ứng dụng vào các thiết kế lifestyle apron và origin apron.
“Những tấm vải dệt từ ánh trăng”.
– Người Ai Cập đã nói về vải linen mỹ miều như thế đấy –
Linen là loại vải có giá thành cao. Vì thu hoạch cây lanh rất khó. Người nông dân phải chờ cây lanh phát triển đầy đủ, đặc thù vải linen được dệt từ các sợi lanh dài. Cây lanh có chiều dài chuẩn thì các sợi lanh mới tốt và chắc chắn. Quá trình thu hoạch và dệt sợi cũng đòi hỏi sự cẩn thận để đảm bảo chất lượng.
Bí mật của linen
Vải linen có thể hấp thụ độ ẩm tối đa 20% trọng lượng nó trước khi chúng ta cảm nhận được sự ẩm ướt. Điều này có nghĩa là vải linen thấm hút rất tốt. Nói đến khả năng hút ẩm của vải linen, NGÓI sẽ giới thiệu một chút về quá trình mồ hôi đi qua vải. Quá trình này gồm 3 bước: hút ẩm, lan tỏa và làm khô nhanh. Vải linen sẽ thấm hút mồ hôi của chúng ta ở dạng lỏng và hơi. Do sợi vải linen ưa nước, các khoảng trống trong cấu trúc vải giúp linen khuếch tán độ ẩm và thấm hút nhanh chóng.
Vậy nên, linen thích hợp để làm quần áo mùa hè, nó thấm hút mồ hôi, bay hơi nhanh và giúp bạn luôn mát mẻ và thoải mái.
Bảo quản linen đúng cách như thế nào?
- Vải linen thường gặp vấn đề co rút sau khi giặt. Có nghiên cứu cho rằng linen sẽ co lại ít nhất 3% sau lần giặt đầu tiên. Nếu bạn đang tự may vá trên vải linen, hãy giặt trước để biết được độ co rút của vải rồi mới tiến hành thiết kế và may.
- Chọn chế độ giặt nhẹ
- Đọc kỹ hướng dẫn giặt trên nhãn mác trang phục
- Hạn chế giặt quần áo vải linen với quá nhiều quần áo khác
- Giặt linen bằng nước lạnh hoặc nước ấm ấm
- Thay vì gấp gọn, quần áo vải linen nên được treo để hạn chế các nếp gấp, nhăn nhàu
- Việc giặt giũ đã làm mềm sợi lanh. Các vết nhăn trên vải sẽ dễ dàng xử lý bằng cách ủi với nhiệt độ vừa phải. Nếu bạn có chiếc bàn ủi hơi nước thì các vết nhăn sẽ biến mất nhanh chóng.
Lụa
Lụa được được dệt từ sợi tơ tằm. Người ta nuôi tằm, lấy tơ tằm xe sợi và dệt thành lụa. Nghề dệt lụa có lịch sử lâu đời và xuất phát từ Trung Quốc. Ngày xưa, lụa là thứ vải quý giá, chỉ có tầng lớp thượng lưu mới có thể sử dụng.
Các nhà khảo cổ đã tìm thấy quần áo từ lụa ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) cách đây khoảng 3000 năm trước công nguyên. Người Trung Hoa đã cố gắng độc quyền sản xuất tơ lụa. Trong 2000 năm, không một quốc gia nào biết lụa đã được sản xuất và dệt như thế nào. Cho đến khi những người Trung Hoa di cư và đem theo bí mật tơ lụa đến Triều Tiên và Ấn Độ. Qua con đường tơ lụa, loại vải này có mặt ở châu Âu, Bắc Phi, Trung Đông. Vào thế kỷ XIII, Italy trở thành trung tâm sản xuất tơ lụa chính yếu ở phương Tây.
Ngày nay, Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước làm ra hơn một nửa số tơ lụa của thế giới.
Vì sao lụa được mệnh danh là “nữ hoàng” của mọi loại vải?
Vải lụa có cấu trúc sợi vải dạng lăng kính tam giác, phản chiếu ánh sáng ở nhiều góc độ. Vậy nên đặc trưng vải có độ bóng, óng ánh và mềm mại. Vải lụa có độ thấm hút tốt, khả năng giữ nước khoảng 11% trọng lượng của nó. Lụa có một đặc điểm khá độc đáo, đó là “đông ấm hè mát”. Mặc vào mùa hè rất mát mẻ và có thể giữ ấm vào mùa đông. Có lẽ vì độ đẹp và cả đặc điểm này mà lụa được mệnh danh là “nữ hoàng” vải vóc. Nhà thiết kế thời trang nổi tiếng Oscar de la Renta đã so sánh vải lụa với kim cương.
Len
Vải len tự nhiên được dệt từ lông của các loài động vật như cừu, dê, thỏ… Lông cừu là loại phổ biến nhất. Sợi len bao gồm cấu trúc protein cùng với một tỷ lệ nhỏ chất béo. Sợi len có sự khác biệt với cotton, sợi cotton chủ yếu là cấu trúc cellulose. Những sợi len đầu tiên được tìm thấy tại Địa Trung Hải cách đây khoảng 4.000 năm trước công nguyên.
Sản lượng len toàn cầu là 2 tấn/năm, 60% trong số đó sử dụng cho ngành may mặc. Hiện nay, Úc là quốc gia dẫn đầu về sản lượng len. Trung Quốc và New Zealand lần lượt ở vị trí thứ hai và thứ ba. Đối mặt với nhiều tác động đến môi trường, len hữu cơ đang ngày càng được ưa chuộng. Phần lớn len hữu cơ được cung cấp bởi Úc và New Zealand.
Đặc tính của vải len
Như bạn đã biết, len có khả năng giữ ấm rất tốt, mềm mịn. Mặc đồ len ta luôn cảm thấy thoải mái và dễ chịu. Tuy nhiên khi mặc trang phục từ vải len, bạn phải đặc biệt cẩn thận nhé. Chỉ cần một sợi len bị rách thì các sợi khác sẽ bung theo, sản phẩm sẽ bị hỏng. Ngoài ra, len cũng thấm hút nước rất tốt, áo len sẽ trở nên rất nặng nề nếu bị thấm nước đó.
Một bí mật có lẽ bạn chưa biết về len. Được dệt từ lông động vật, có cấu trúc protein nên len có thể được tái chế. Chúng ta có khả năng được sử dụng như một loại phân bón. Nhưng chỉ áp dụng với loại len hữu cơ không pha trộn sợi tổng hợp khác thôi bạn nhé!
Bài viết khá dài hơi rồi nhỉ? Nhưng hy vọng bạn có được những thông tin hữu ích về vải sợi tự nhiên. NGÓI sẽ tiếp tục bật mí những nội dung về vải sợi tổng hợp trong bài viết tiếp theo.
Bạn có trải nghiệm sử dụng như thế nào với các loại vải trên? Để lại bình luận cho tụi mình biết với nhé.
Nếu bạn chưa đọc Từ điển vải vóc phần 1: Những điều bạn chưa biết về vải vóc, mời bạn tìm hiểu tại đây.