TRÒ CHUYỆN: NGÀY CỦA CHA – MÓN NGON CỦA CHA

mon-ngon-cua-cha

Tiếp nối bài viết Trò chuyện số 1 về “Ngày của mẹ”, chúng tôi khó có thể bỏ qua một dịp để nói về Cha trong “Ngày của Cha” – nhằm ngày 20 tháng 6 năm nay. Với Mẹ, dường như luôn dễ dàng hơn để tâm tình, hay nhắc về mẹ nhiều hơn. Vậy ở trò chuyện “Món ngon của Cha”, chúng tôi sẽ cùng bạn khám phá những điều thật ý nghĩa về Cha. 

Chúng ta dễ thấy những cụm từ như “Cơm mẹ nấu”, “Bếp của mẹ”, “Ngon như mẹ làm”. Nhưng với Cha thì lại ít ỏi hơn, giống như cách mà chúng ta bày tỏ tình cảm với Cha, và ngược lại, luôn ngại ngùng hơn. Cha đa phần là những người luôn ít nói, lặng lẽ quan sát và thể hiện yêu thương bằng những hành động nhỏ. Giống như chuyện bếp núc, có thể không góp mặt nhiều của cha, nhưng NGÓI tin rằng, trong tuổi thơ của bạn cũng có những lần được Cha nấu cho một món ngon hoặc được Cha dẫn đi món ăn ngon mà khiến bạn nhớ mãi. 

Nên mượn chuyện bếp và thông qua những món ăn kỉ niệm với Cha. Chúng tôi muốn khơi gợi hình ảnh cha trong lòng bạn. Để bạn khám phá những khía cạnh khác của những người đàn ông lớn của gia đình. NGÓI sẽ kể bạn nghe về những câu chuyện đến từ ba nhân vật mà đối với chúng tôi, sẽ thật đặc biệt và phù hợp cho dịp này. 

Bạn hãy dành chút thời gian nhé, cùng NGÓI lắng nghe những lời tâm tình nhẹ nhàng mà sâu lắng về Cha của Chef Bảo La, “nàng thơ” Trịnh Nam Trân và bạn Vũ Duy.

Vũ Duy – “Đó là lần đầu tiên Ba anh mặc tạp dề vào bếp”

Câu chuyện đầu tiên mà chúng tôi muốn kể, là một sự ấm áp lan tỏa tích cực từ hai cha con bạn Vũ Duy. Duy là một người bạn thân thiết của chúng tôi. Hiện anh là COO của PITO (một nền tảng đặt thức ăn cho doanh nghiệp). Duy xứng đáng được gán cho danh hiệu “chàng trai của gia đình”. Thường trực ở Duy là một nụ cười hiền lành, tươi tắn và cái duyên hài hước. Có lẽ điều đó ảnh hưởng trực tiếp từ cha của Duy. Anh luôn dành sự quan tâm hàng đầu đến những người thương yêu của mình.

Nói về món ngon của cha, Vũ Duy nhớ mãi món lạp xưởng chiên – món ăn lần đầu tiên cha nấu. “Dù bây giờ ba của anh đã nấu ăn nhiều hơn, nấu ngon hơn nhưng lạp xưởng chiên là món mà anh nhớ nhất. Lúc đó, mẹ của anh bị bệnh nên ba phải phụ trách nấu ăn. Đây cũng là lần đầu tiên ba anh mặc tạp dề vào bếp nấu một món gì đó” – Duy cười nói. 

tap-de-ngoi
Lần đầu tiên Cha vào bếp nấu ăn, tuy còn vụng về nhưng đó là món ăn chứa đựng tình thương của Cha.

Với người chưa từng vào bếp, lạp xưởng chiên tưởng chừng dễ nhưng lại là thử thách. Cuối cùng, lạp xưởng bị cháy, không ngon lắm nhưng với Duy đó là một kỷ niệm nhiều yêu thương và đáng nhớ về cha. 

“Trong nhà, mẹ anh là người nấu chính nhưng năm ngoái, mẹ bị tai nạn ở tay nên không đi chợ được. Vì vậy ba anh phụ việc đi chợ, từ đó cũng thường xuyên vào bếp hơn. Bây giờ ba anh đi chợ rất giỏi, tới mức quen mặt tất cả người bán ở chợ”. 

Hai cha con của Duy rất thân thiết. Anh và Cha thường tâm sự, nói chuyện và cả đùa giỡn với nhau. Mỗi lần về nhà, nếm thử món ăn dưới bếp, Duy hay đùa với cha: 

“Bữa nay ai nấu cơm?”

“Mẹ con nấu”.

“Hèn chi con thấy ngon hơn mọi khi”. 

mon-ngon-lap-xuong

Món lạp xưởng chiên giản dị – kỷ niệm của Vũ Duy về cha.

Ngày thường, cha mẹ chỉ ăn những món ăn cũ của ngày hôm qua. “Nhưng khi Duy và anh hai về nhà ăn cơm, ba sẽ đi chợ và nấu nhiều món ngon hơn”. Vũ Duy nói anh và cha ít khi bày tỏ trực tiếp lời yêu thương. Song tình thương đã được gửi gắm qua những món ăn mà cha nấu. Có lẽ, một chút thiếu vị, một chút vụng về trong món ăn ông nấu, cũng chính là sự ấm áp trong tình cảm mà Cha biểu đạt.

“Anh mong cha sẽ luôn có nhiều cảm hứng nấu ăn, luôn vui vẻ và hạnh phúc trong căn bếp gia đình, không mệt mỏi, bận tâm vì những chuyện khác”. Đó là một lời chúc giản đơn nhưng đủ chân thành, từ người đàn ông nhỏ gửi đến người đàn ông lớn trong gia đình nhân ngày đặc biệt.

Chef Bảo La – “Bảo cảm nhận được yêu thương của Ba từ những quan tâm nhỏ nhất”

Sinh ra và lớn lên ở Úc nhưng Chef Bảo La mang trong mình 100% dòng máu Việt Nam từ Cha và Mẹ anh. Thế nên sợi dây liên kết với đất nước Việt Nam vô cùng mạnh mẽ. Hiện nay, anh chọn Việt Nam là nơi tiếp tục phát triển sự nghiệp sau những thành công ở nhiều nước trên thế giới.

chef-bao-la-va-tap-de-cua-ngoi

Lập nghiệp xa nhà, nên khi chúng tôi ngỏ lời mời phỏng vấn về Cha, anh Bảo La đã rất vui vẻ nhắc về người cha kính yêu của mình hiện đang ở Úc.

“Nói đến món ngon mà khi nghĩ về Cha, Bảo nghĩ ngay đến đó chính là Bánh cuốn. Cha Bảo ngày xưa sống ở khu Đa Kao (Q.1), lần đầu tiên được ba dẫn về thăm Việt Nam, ba đã đưa Bảo đi ăn món này. Đó cũng chính là món ăn Việt Nam đầu tiên anh được ăn khi về nước” – Anh Bảo chia sẻ.

mon-ngon-cua-cha-3
Hai Cha con anh Bảo giản dị tại quán cơm tấm lề đường – đặc trưng của món ăn đường phố Việt

Đối với Chef Bảo, Cha không phải là người khơi gợi cho anh đam mê với nghề đầu bếp. Nhưng Cha luôn là người góp ý, hướng dẫn cho cả nhà làm sao để những món ăn Việt đúng vị, đúng bài nhất.

“Ba hay “la” anh nếu nấu thiếu dù chỉ một nguyên liệu. Cơm tấm là phải thế nào mới đúng là cơm tấm. Phở bò thì phải ra sao mới đúng bát phở truyền thống. Mặc dù không nấu nhưng Ba rất là sành ăn đó”.

mon-ngon-cua-cha-4

Mối liên kết giữa hai cha con dễ nhận ra sự thân thiết ấm áp, không có quá nhiều khoảng cách. Vì theo anh Bảo, ba anh làm khá tốt trong việc biểu lộ tình cảm vì ba là người khá vui tính. 

“Bảo ở xa nên hầu như thường xuyên gọi thăm Ba Mẹ mỗi ngày. Ba Bảo hay nói đùa “Đã đi chơi đủ chưa, đi chán chưa con, khi nào chịu về ?” rồi cười phá lên. Còn những khi ở nhà, nếu muốn làm gì đó Ba sẽ rủ Bảo, bàn bạc với nhau rồi hai cha con cùng làm rất vui”.  

“Một kỉ niệm ngày bé mà Bảo thấy vui nhất. Khi đó Bảo học ở trường rất gần nhà, chắc chỉ tầm vài trăm mét. Bảo hoàn toàn có thể đi bộ về. Nhưng vì lo nguy hiểm, Ba nhất định bắt Bảo phải đợi đến khi ba mẹ đóng cửa quán ăn, rồi Ba sẽ đến đón Bảo về. Chính vì điều đó mà Bảo cảm thấy Ba yêu thương và lo lắng cho mình từ những điều nhỏ nhất. Và Bảo thực sự hạnh phúc”.

“Ba Bảo năm nay cũng lớn tuổi rồi, đã nghỉ hưu ở cạnh con cháu. Ở độ tuổi đó, điều Bảo mong nhất chỉ là mong Ba mẹ luôn nhiều sức khoẻ thôi.”

Anh Bảo cười thật nhiều trong cuộc trò chuyện với chúng tôi. Cha – người được anh mô tả là “yêu nước” và “khó tính”. Nhưng Cha lại là một người hài hước, thường đem lại tiếng cười cho mọi người. Tôi càng hiểu hơn vì sao, anh Bảo rất hay cười và thân thiện trong mọi dịp chúng tôi tiếp xúc. 

Sự nuôi dưỡng của bậc cha mẹ với đầy tình yêu thương, đã góp phần nào hình thành một người đầu bếp Bảo La đáng mến ngày hôm nay. 

Trịnh Nam Trân – “Bố đơn thuần và giản dị như món đậu hũ tẩm hành vậy”

Câu chuyện cuối cùng mà chúng tôi chia sẻ cùng bạn, là một nốt lặng ấm áp dành cho một người Cha rất khác với 2 câu chuyện trên. Người cha kính yêu đã an nghỉ, nhưng sẽ sống mãi trong lòng của Trịnh Nam Trân.

Trịnh Nam Trân là một nhà thơ trẻ, “Nàng Thơ” của Tiệm Sách Hoa Cúc. Nam Trân là một người phụ nữ dịu dàng, đằm thắm. Những vần thơ của cô chất chứa nhiều chân tình, nhiều câu chuyện cuộc đời và tình yêu. Nam Trân đã được truyền cảm hứng đọc sách và viết lách từ Cha rất nhiều. 

Lời kể của Nam Trân về cha rất đỗi chân thành, dịu dàng và chan chứa yêu thương. Cha của chị là một người hiền lành, dễ chịu, không đòi hỏi ăn uống cầu kỳ mà rất dễ ăn. Cha luôn tấm tắc khen món ăn khiến người nấu cảm thấy ấm lòng. 

“Bố chị đặc biệt thích ăn món đậu hũ tẩm hành. Món này rất đơn giản, có khi chị thấy nó không quá ngon nhưng bố thích lắm. Nó dân dã, không hề cầu kỳ, rất bắt cơm và ai cũng thích. Nó giống như bố chị vậy đó. Bố dễ gần, ai cũng có thể làm quen, bắt chuyện và cũng đơn giản, xuề xòa, không hoa mỹ. Nhưng nghĩ tới là thấy thương vì cái sự mộc mạc” – Nam Trân tâm tình. 

mon-ngon-cua-cha-2
“Bố chị đơn thuần và giản dị như món đậu hũ tẩm hành vậy”

Nói đến chuyện ăn uống, chị không bao giờ quên món ăn mà cha thích. Nam Trân kể cha chị cũng thích ăn cơm nguội lắm. “Hồi xưa chị hay cằn nhằn bố lắm, bảo ăn thế sao ngon. Giờ mỗi lần nhìn bát cơm nguội, lại nhớ bố khủng khiếp”.  

Ở Trân, chúng tôi không khó để bắt gặp một sợi dây kết nối đặc biệt giữa chị và cha. Cha ảnh hưởng rất nhiều đến Nam Trân. Chị thấy mình là người dễ gần, dễ thông cảm có lẽ cũng vì ảnh hưởng từ cha. “Chị thấy sống được như bố chị, tuy ngắn ngủi, không kịp an hưởng tuổi già nhưng lại là cuộc sống bình an. Bố không nghĩ xấu ai, không sân si cũng ít khi than phiền. Bố đơn thuần và giản dị như món đậu hũ tẩm hành vậy”.

mon-ngon-cua-cha-3

Nhân ngày của Cha, Nam Trân nhắn nhủ:

“Mong các bạn hãy luôn tranh thủ cùng bố mẹ ngồi ăn cơm. Dù cuộc sống hiện đại, có khi xa nhà nữa nên việc đó cũng khó, nhưng hãy tranh thủ nhé. Và đừng bao giờ quên xuýt xoa, tấm tắc khi được người khác nấu ăn cho, như cách bố Trân từng thể hiện. Vì đó là một trong những biểu hiểu nói lên tình yêu ngọt ngào và tuyệt vời nhất”.

 


Lời Kết

Khép lại ba câu chuyện nhỏ, liệu bạn có nhận ra hình ảnh ba người Cha được khắc hoạ rõ nét đến bất ngờ, chỉ thông qua sự liên tưởng về “Món ngon của cha”?

Còn có rất nhiều điều nhỏ bé khác nữa, một khi dành thời gian suy ngẫm lại bạn sẽ thấy chúng cũng giống như Cha, như tình cảm của Cha. Vốn lặng lẽ và giản dị, chỉ có chú tâm để ý bạn mới có thể nhìn ra. 

Mối liên kết của bạn và Cha hiện diện rất nhiều trong bạn, từ ngoại hình, tính cách cho đến sự nghiệp. Cha chưa bao giờ rời xa chúng ta, kể cả khi trưởng thành. Cha vẫn luôn theo dõi, đồng hành với bạn trong từng bước đi, trong hành trình cuộc đời.

NGÓI xin cảm ơn câu chuyện của ba nhân vật đã giúp đỡ chúng tôi khám phá điều ý nghĩa ấy. Chúc anh chị có nhiều sức khỏe, niềm vui và thành công trong công việc. 

Vậy còn bạn, bạn sẽ nhớ đến món ăn ngon nào khi nghĩ về Cha? 

Một cuộc phỏng vấn ngoài lề đến từ một người anh mà chúng tôi xin phép được giấu tên. Anh đã “đùa” rằng món ăn khiến anh nhớ nhất đó chính là… “Ăn đòn” 

Một món chắc sẽ khiến bạn bật cười nhỉ? Nhưng anh cũng nói rằng, ở tuổi mà anh cũng đã làm Cha, điều mà giờ đây anh muốn nhắn nhủ đến Ba của mình đó lại là “Lớn rồi thèm ăn đòn”

mac-tap-de-vao-bep-cung-cha

 

Chúng tôi sẽ dành tặng bạn thật nhiều phút sau bài viết này để bạn có những suy ngẫm riêng. Để bạn có thể nhớ về Cha, về những món ngon của cha, để thấy rằng bạn sẽ chợt thèm, chợt cần, chợt muốn dũng cảm nói lời “Thương Ba”.


Credit: 

Bài viết có sử dụng hình ảnh do nhân vật cung cấp.

Và hình ảnh từ Pexels thuộc https://www.pexels.com/@ron-lach

>

Add address